Ngày nay, xây dựng thương hiệu là hoạt động thiết yếu trong hầu như tất cả các ngành sản xuất và dịch vụ. Trong nền kinh tế dựa vào tri thức (knowledge-based economy), giá trị và tầm quan trọng của các tài sản hữu hình (nhà xưởng, máy móc, thiết bị…) ngày càng giảm xuống rõ rệt so với các tài sản tri thức vô hình (sáng chế, bản quyền, thiết kế, thương hiệu,…). Theo Hãng tư vấn định giá thương hiệu nổi tiếng Brand Finance (Anh) thì giá trị lớn nhất trong top 10 thương hiệu đắt nhất thế giới năm 2018 là Amazon (150.8 tỷ USD) và nhỏ nhất là Ngân hàng ICBC (59.2 tỷ USD). Đây là những con số khổng lồ!
Nhưng điều nghịch lý lại xảy trong ngành dịch vụ pháp lý: hoạt động xây dựng thương hiệu vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của rất nhiều Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư. Trong thời đại 4.0, nhưng một số Luật sư vẫn cho rằng chỉ cần “hữu xạ tự nhiên hương” thì khách hàng sẽ tự biết và tìm đến mà không cần xây dựng thương hiệu, hoặc một số Luật sư chỉ đơn thuần theo lối mòn có sẵn khi xây dựng thương hiệu nên không tạo ra sự khác biệt, đặc trưng cho thương hiệu của mình.
Trước thực tế đó, ngày 06/04/2018, Cổng thông tin tìm kiếm luật sư – iLAW phối hợp cùng Công ty Luật TNNH Lê Nguyễn và Công ty Luật LTT & Lawyers tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Xây dựng thương hiệu cho Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư” nhằm chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm thực tế xây dựng thương hiệu trong ngành dịch vụ pháp lý, bao gồm:
- Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu (logo, slogan, name-card, folder, letter-head…).
- Thiết kế và bố trí trong văn phòng luật.
- Thiết kế website và các tài khoản trên mạng xã hội: Blog, Facebook, LinkedIn…
- Xây dựng tác phong và hình ảnh chuyên nghiệp của Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư trong mắt khách hàng.
- Các cách thức đo lường, đánh giá hiệu quả xây dựng thương hiệu.
Ngoài ra, các Luật sư còn chia sẻ các kinh nghiệm hết sức quý giá về Quản trị công ty luật bao gồm:
Quản trị nhân sự: quản lý thời giờ làm việc, giao công việc, đi công tác bên ngoài, theo dõi tiến độ hoàn thành công việc, các chế độ khác nhau dành cho Luật sư thành viên (partner) và trợ lý luật sư…
Quản trị tài chính: các chế độ thu nhập, thù lao khác nhau dành cho Luật sư thành viên (partner) và trợ lý luật sư, cũng như các nhân viên khác trong công ty
Ứng dụng công nghệ: Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong việc quản lý thời gian của nhân viên, các phần mềm Marketing, xây dựng website, thiết lập hệ thống mail riêng của công ty…
Bản tin tổng hợp về sự kiện trên Tạp Chí Luật Sư Việt Nam: http://lsvn.vn/luat-su-va-cong-dong/hoat-dong-luat-su/toa-dam-ban-ve-xay-dung-thuong-hieu-cho-luat-su-va-to-chuc-hanh-nghe-luat-su-27282.html