Theo số liệu của Stanford Law School’s LegalTech Index, hiện tại trên toàn cầu có 771 các công ty cung cấp các giải pháp công nghệ cho thị trường dịch vụ pháp lý. Tham gia vào thị trường này có thể là các tập đoàn tầm cỡ và tên tuổi trên thị trường công nghệ như IBM, Thomson Reuter hoặc cũng có thể là các Start-ups với những giải pháp công nghệ sáng tạo thay đổi cuộc chơi trên thị trường. Cũng tương tự như thị trường giải pháp công nghệ nói chung, đây là thị trường có mức độ cạnh tranh và đào thải vô cùng khốc liệt đòi hỏi các công ty phải liên tục sáng tạo và thỏa mãn nhu cầu của Luật sư và khách hàng. Ở mặt ngược lại, công ty nào sáng tạo hơn và cung cấp dịch vụ tốt hơn sẽ có cơ hội được tưởng thưởng xứng đáng.
Các giải pháp công nghệ được cung cấp bởi các công ty và Start-ups này là hết sức đa dạng. Đó có thể là giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành dịch vụ pháp lý (Ross – IBM), giải pháp tìm kiếm và đặt hẹn luật sư online (AVVO), giải pháp phân tích và dự đoán kết quả các vụ kiện (AssistMyCase), giải pháp giải quyết tranh chấp online (JusticeBox).
Một trong những hãng luật lớn nhất ở Hoa Kỳ đã trở thành hãng luật đầu tiên thuê luật sư robot để hỗ trợ cung cấp dịch vụ pháp lý trong các vụ kiện phá sản. Luật sư robot này được đặt tên là ROSS, và được tiếp thị như là luật sư robot sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới.
ROSS đã gia nhập hãng luật Baker & Hostetler, nơi đã thuê 50 luật sư chuyên thực hiện các dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực phá sản. ROSS sử dụng trí tuệ nhân tạo được phát triển bởi IBM và sẽ thực hiện công việc trợ tá cho luật sư (Legal researcher). Thông thường, các công việc trợ tá cho luật sư này (Legal researcher) được thực hiện bởi các luật sư trẻ và chưa có đủ kinh nghiệm để trực tiếp tham gia tranh tụng.
CaseCruncher Alpha là luật sư robot sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo khác đã thắng trong cuộc thử thách với 100 luật sư hàng đầu ở London: các luật sư và CaseCruncher Alpha được cung cấp thông tin của hàng trăm vụ việc khác nhau và đưa ra dự đoán về các khả năng cho phép tiến hành khởi kiện của các vụ việc đó. Kết quả là CaseCruncher Alpha đã đưa ra các dự đoán với tỷ lệ chính xác lên đến 86.6%, trong khi tỷ lệ đó của các luật sư chỉ là 66.3%.
Tại Việt Nam, có thể kể đến các ứng dụng số hóa văn bản pháp luật là làn sóng đầu tiên: Kể từ khi ngành dịch vụ pháp lý được chính thức hoạt động trở lại theo các quy định của Pháp lệnh Luật sư năm 1987 và 2001, nhu cầu tìm kiếm và tra cứu các văn bản pháp luật đã trở nên cấp thiết và quan trọng trong quá trình hành nghề của các Luật sư. Tuy nhiên, do các lý do lịch sử mà trong thời gian những năm thuộc thập niên 1990 và thập niên 2000, việc tiếp cận được các văn bản pháp luật đã ban hành (còn hiệu lực hoặc hết hiệu lực) là cực kỳ khó khăn và tốn kém nhiều thời gian, chi phí cho các Luật sư.
Đối với việc cập nhật các văn bản mới, tình hình cũng tương tự như vậy. Chỉ một số lượng nhỏ các hãng luật lớn và danh tiếng mới có đủ khả năng tài chính chi trả cho việc đặt mua các Công báo vốn chỉ được phát hành hàng tháng. Hình ảnh các Công báo được đóng bìa cứng sang trọng và trưng bày cùng với các sách chuyên ngành trong các tủ sách được đặt trang trọng ngay tại “mặt tiền” hoặc trong phòng tiếp khách của hãng luật một thời được xem như là lời khẳng định đẳng cấp và danh tiếng của các hãng luật đó. Hình ảnh đó cũng gợi nhớ cho các Luật sư những ngày được làm việc cho các hãng luật lớn và được tiếp cận nguồn văn bản mới vô cùng phong phú này. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ và việc áp dụng nó trong ngành dịch vụ pháp lý, các ấn bản in của Công báo giờ không còn nhiều ý nghĩa như trước đây. Đối với các Luật sư còn tình cảm và hoài niệm, chỉ có thể tìm lại những hình ảnh ngày nào trong các thư viện của các trường luật.
Với việc ứng dụng công nghệ, công việc tra cứu pháp luật (các án lệ, các quy định của pháp luật…) của các Luật sư ở các nước phát triển đã trở nên dễ dàng, nhanh chóng và ít tốn kém hơn rất nhiều. Các văn bản và tài liệu đã được số hóa, lưu trữ tập trung và cùng với đó là các công cụ cho phép Luật sư tìm kiếm chính xác văn bản, tài liệu, án lệ hoặc một nội dung cụ thể trong đó chỉ bằng vài thao tác trên máy tính. Các nguồn dữ liệu này có thể được cung cấp miễn phí trên các cổng thông tin của các cơ quan nhà nước, của các trường luật, các thư viện. Cùng với đó, các Luật sư có thể lựa chọn các dịch vụ có thu phí để có nguồn dữ liệu đầy đủ hơn hoặc được cung cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp hơn. Các dịch vụ nổi tiếng có thể kể đến bao gồm LexisNexis hoặc Thomson Reuters.
LexisNexis hiện đang có kho dữ liệu lên đến 30 terabytes (30.000.000.000 megabytes), bao gồm các luật và quy định hiện tại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng như một số lượng lớn các án lệ được xuất bản từ năm 1770 cho đến hiện tại.
Tại Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật và các công văn đã được số hóa và công bố công khai trên website các cơ quan nhà nước từ Quốc hội đến Chính phủ, các Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban nhân dân các tỉnh… Làn sóng ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực pháp lý lần thứ nhất đã diễn ra và dẫn đến sự ra đời của các dịch vụ nổi tiếng có thu phí, có thể kể đến bao gồm Lawsoft (Thư viện pháp luật) hoặc Luatvietnam với kho dữ liệu bao gồm các văn bản được ban hành từ 1945 đến nay, cùng rất nhiều tính năng tiện lợi dành cho các Luật sư và người hoạt động trong ngành luật.
Cùng chung xu hướng với thế giới, tại Việt Nam đã xuất hiện làn sóng xâm nhập của công nghệ vào ngành dịch vụ pháp lý với các ứng dụng hỗ trợ khách hàng như giao kết Hợp đồng trên nền tảng công nghệ online, hoặc nền tảng công nghệ kết nối Luật sư và khách hàng thông qua Video Call, hoặc nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực dịch vụ pháp lý.
Tìm hiểu thêm các xu hướng của thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam: http://ilawyers.i-law.vn/cac-xu-huong-thi-truong-dich-vu-phap-ly-viet-nam-nam-2018
iLAW – Cổng thông tin tìm kiếm Luật sư Xây dựng miễn phí Trang thông tin giới thiệu về Luật sư. Cung cấp thông tin đến khách hàng đang tìm kiếm Luật sư. Đăng ký tham gia tại: https://i-law.vn/danh-cho-luat-su |